Tuổi thiếu niên “lừng lẫy” với các giải thưởng sáng tạo nhưng lại trượt đại học, Giang Thiên Phú chọn đường đi cho mình theo quan điểm: Chưa biết mình đam mê gì thì cứ chọn một ngành vừa sức.
Năm 2004, nhiều tờ báo vui mừng đưa tin về những phát minh rất độc đáo và hữu dụng do các em thiếu niên nhi đồng Việt Nam sáng tạo nên, đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi do Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Một phát minh thú vị được nhiều người quan tâm là “Máy vệ sinh chuồng gà” của Giang Thiên Phú – một học sinh tại Đông Anh, Hà Nội.
Xuất phát từ việc nhìn thấy mẹ mình hằng ngày vất vả nhiều tiếng đồng hồ để dọn chuồng gà, Phú đã thiết kế một máy vệ sinh chuồng gà thao tác đơn giản, có thể giảm thời gian thu gom tới 5 lần và đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng. Sản phẩm gồm động cơ điện, trục tời, trục xoắn đặt trên giá đỡ có bánh xe. Khi hỗn hợp phân gà và trấu được thu gom qua máng hót vào trục tời, nó sẽ được đánh tơi và đẩy tới trục xoắn theo đường ống. Trục xoắn đẩy hỗn hợp vào bao tải.
Thực tế cho thấy trong trại gà 800 con, diện tích chuồng 70 m2, nếu dùng xẻng thu gom mất 1 ngày, thì dùng máy chỉ 2 giờ là xong. Sản phẩm khi đó đã được sử dụng tại gia đình Phú và một số hộ gia đình khác.
Ngoài máy rửa chuồng gà, Phú còn được biết đến với Robot xây thành Cổ Loa, mô hình máy bay điều khiển từ xa, kính hiển vi làm từ webcam…
Một thập kỷ sau đó, tên Giang Thiên Phú bỗng xuất hiện trên báo chí với tên gọi “Bill Gates Việt Nam”. Danh xưng này xuất phát từ việc Phú hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và… bỏ học.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Giang Thiên Phú nói: “Nhiều người nghĩ tôi có nhiều giải thưởng sáng tạo thì chắc giỏi và chỉ thích các môn tự nhiên thôi nhưng không phải thế, tôi cũng thích lịch sử, triết học. Không thấy hấp dẫn trên lớp thì tôi mua sách tự đọc. Triết học với tôi là môn thú vị, tôi đã đọc hết sách bố tôi có và tìm mua thêm để đọc. Khi xem một bộ phim lịch sử mà tôi thấy hấp dẫn, tôi cũng đi lùng kiếm sách viết về lịch sử được đề cập trong phim. Bài toán tôi thích thì tôi phải đi tìm xem có cách giải nào hay hơn thế… Trong lúc bạn bè tôi lao vào học với mục đích thi đỗ ĐH thì tôi đã dùng thời gian vào những việc mà theo suy nghĩ thông thường là “vô bổ”.
Thực tế cũng đã xảy ra, tốt nghiệp phổ thông, Phú đăng ký dự thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng trượt. Không học nguyện vọng 2, Phú quyết định tìm một cái nghề. Khi đó, anh suy nghĩ đơn giản, chọn công nghệ thông tin vì khi thiết kế một sản phẩm phần mềm nếu hỏng thì bỏ đi làm lại, không tốn kém về vật chất.
“Sau này tôi mới hiểu vật chất còn là thời gian, là công sức bỏ ra nữa. Những cái làm không thành công còn lãng phí hơn nhiều những gì tôi nghĩ trước đây” – Phú nói trong một bài phỏng vấn.
Thế nhưng, khi đang học ở Aptech rồi Đại học Greenwich, Giang Thiên Phú nhận thấy sự hấp dẫn đối với mình không phải là ở trên giảng đường mà là những công việc thực tế, có sự thực hành, tự học, tự mày mò, trải nghiệm. Phú lại gây bất ngờ khi chọn bảo lưu kết quả học tập để đi làm. 19 tuổi, Phú mở công ty Thiên Phú, trở thành giám đốc công ty bán máy tính, thiết kế hệ thống mạng do anh lập nên nhưng công ty này chỉ tồn tại đúng một năm thì giải thể.
Dẫu vậy, con đường mày mò, tự học và sự “thiên thời” của ngành công nghệ thông tin cũng đã đưa Phú đến với những thành công lớn ở tuổi của anh. Phú được giới công nghệ gọi là “Bill Gates Việt Nam”, từng giữ vị trí lãnh đạo mảng công nghệ (tech lead) ở rất nhiều công ty lớn trên thị trườngnhư: Ebay Việt Nam, Peacesoft (tiền thân của Tập đoàn công nghệ Nexttech), Hotdeal, Vincommerce trước khi quyết định khởi nghiệp với thương hiệu Gadget mà sản phẩm chính là Callio.
Đây là nền tảng công nghệ tổng đài ảo kết hợp với CRM giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết bài toán tăng năng suất cho bộ phận telesales.
Giữa tháng 12/2020, Công ty Gadget của GiangThiên Phú lọt top 10 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực CNTT của Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bình chọn.
Trước đó, vào tháng 11/2020, phần mềm Callio đã được ông Đinh Viết Hùng – Chủ tịch quỹ đầu tư VIC Partners quyết định rót vốn với định giá lên tới 6 con số (USD) vì sự sáng tạo và tính khả thi cao, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp khi chuyển đổi số trong thời đại 4.0.
“Mỗi người có một con đường, một lựa chọn, nhưng tôi nghĩ nếu các bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc sống nhưng chưa biết mình đam mê cái gì thì cứ cố gắng chọn một ngành vừa sức để học, đừng đuổi theo những điều mơ hồ, ảo tưởng. Vì đam mê thật sự không phải như vậy” – Giang Thiên Phú chia sẻ.
Theo CafeF
Bài viết gốc: https://cafef.vn/nguoi-duoc-goi-la-bill-gates-viet-nam-xuat-phat-tu-mot-cau-be-che-tao-may-rua-chuong-ga-20210217214950566.chn