Phạm Đức Thành (1987) hiện là CTO của NextPay. Anh có hơn 12 năm kinh nghiệm thiết kế và phát triển các ứng dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thanh toán cùng với kinh nghiệm làm việc với ứng dụng môi trường đa nền tảng. Anh mong muốn đưa công nghệ thông tin vào trong đời sống hàng ngày, tiện lợi hóa từng hoạt động nhỏ của mỗi cá nhân.
Giang Thiên Phú (1989) hiện là nhà sáng lập kiêm CEO của Callio – Giải pháp tổng đài thông minh tích hợp CRM, với kinh nghiệm hơn 10 năm làm lãnh đạo công nghệ tại nhiều startup, tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam. Anh là chuyên gia về IoT, Big Data, phần cứng, tự động hóa, thiết kế và tối ưu hệ thống lớn nhiều người dùng. Năm 2020, Callio lọt vào Top 10 doanh nghiệp khởi nghiệp – chương trình Top 10 ICT do VINASA tổ chức
Trần Vũ Anh (1987) đảm nhận vị trí CTO ở nhiều start-up về AI khác nhau như Logivan và Waves, hiện anh là nhà sáng lập và CEO của SSSMarket. Anh lấy bằng Tiến sĩ về AI ở Nhật Bản và coi mình là nhà truyền bá công nghệ và AI cuồng nhiệt. Anh từng đạt giải tại các kỳ thu Olympic Tin học Việt Nam và là nằm trong top 10 Startup Wheel 2021
Lê Đại Dương (1987) hiện là Co-founder & CTO tại BHO Network. Anh tham gia lĩnh vực công nghệ trong hơn 10 năm, đam mê với xây dựng hệ thống, AI, Fintech và mới đây đã có cơ hội thử thách nhiều hơn trong lĩnh vực blockchain. BHO Network là một nền tảng blockchain đạt số điểm 95/100 – mức được đánh giá khá cao so với trung bình của các dự án blockchain khác do CertiK thực hiện kiểm định.
Lê Minh Quân (1987) là cha đẻ của akaMES – nền tảng điều phối và quản lý sản xuất theo thời gian thực, tập trung hỗ trợ vận hành cho các nhà máy sản xuất lớn tại Việt Nam cũng như toàn cầu. Anh đã tham gia chỉ huy nhiều dự án chuyển đổi số lớn tại Mỹ và châu Âu, đồng thời là kiến trúc sư trưởng xây dựng nền tảng akaMes, giúp kết nối các bộ phận của nhà máy, thống nhất dữ liệu và hỗ trợ tính toán chi phí, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện các sai sót trên dây chuyền sản xuất và có kế hoạch thay đổi phù hợp.
Nguyễn Hữu Linh (1987) là một trong những CEO thế hệ cuối 8X. Anh hiện là người đứng đầu Beetsoft, công ty chuyên về dịch vụ CNTT, xuất khẩu và tư vấn phát triển phần mềm. Anh có 8 năm kinh nghiệm điều hành nhiều start-up, như Beetsoft, Best Innovators, Capichi… Hiện Beetsoft có trụ sở tại Hà Nội, chi nhánh tại Nha Trang và Tokyo với quy mô lên tới hơn 100 kỹ sư chất lượng cao.
Lê Anh Tiến (1990) là CEO của Chatbot Việt Nam – công ty cổ phần công nghệ được định giá triệu USD, có mặt ở ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Philippines với hơn 10 triệu người dùng. Anh cũng là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lĩnh vực Kinh doanh – Khởi nghiệp và được nhận bằng khen của Thủ tướng.
Vũ Hồng Công (1987) hiện là CEO và Co-founder của Miichisoft. Với nhiều năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, am hiểu sâu sắc về công nghệ và bức tranh toàn cảnh của ngành công nghệ thông tin, anh đã lãnh đạo công ty đạt nhiều thành tích xuất sắc. Chỉ sau bốn năm, công ty Miichisoft đã có hai văn phòng tại Việt Nam và Nhật Bản với nhân sự trên 170 người cùng sự tăng trưởng doanh thu hàng năm 100%.
“Mình rất bất ngờ khi được tham dự chương trình và còn được trong top 10. Con đường này mình vẫn còn nhiều điều để học hỏi. Đến với chương trình, mình chỉ mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn nữa về công nghệ, đến với nhiều người hơn nữa”, ông Dũng phát biểu khi là người trẻ nhất trong top 10 Lãnh đạo công nghệ trẻ 2022.
Nguyễn Việt Dũng (1994) hiện là CTO của Krystal.Trong thời gian học tập và nghiên cứu tại Hà Nội và Singapore, anh đã đạt thành tích cao trong nhiều cuộc thi về lập trình trong và ngoài nước như kỳ thi Tin học quốc gia, Olympic Tin học Quốc tế hay cuộc thi lập trình Quốc tế cho sinh viên. Dự án Etheremon do Dũng đồng sáng lập năm 2017 là một trong những game NFT đầu tiên trên thế giới. Dưới sự dẫn dắt của Dũng, sau một năm, dự án Krystal đã mở rộng quy mô nhân sự lên 50 người và thu hút hơn 100.000 người dùng hàng tháng.
Nguyễn Hữu An (1989) là đồng sáng lập và CTO của Công ty Cổ phần Công nghệ SotaTek, nằm trong số 10 công ty blockchain nổi bật tại Việt Nam. Với vai trò là người đứng đầu bộ phận R&D, anh chú trọng vào nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn khắt khe từ khách hàng trong nước và quốc tế. Anh và các đồng nghiệp đã đưa SotaTek từ một startup nhỏ với 20 nhân viên năm 2015 thành doanh nghiệp với trên 750 người. Dịch vụ phát triển phần mềm của công ty đã được xếp hạng 5 sao tại giải thưởng Sao Khuê 2022.
“Hôm nay có mặt ở đây, tôi rất vui mừng và bất ngờ khi lọt vào top 10 của chương trình. Đây là điều rất vinh dự với tôi. Tôi cảm ơn ban tổ chức đã tổ chức một chương trình ý nghĩa như thế này. Trước đây, những người truyền cảm hứng thường là những người làm kinh doanh nhiều hơn. Đây là sân chơi cho những người làm công nghệ, đó là điều rất ý nghĩa, cảm ơn chương trình”, ông Nguyễn Hữu An, Co-Founder & CTO SotaTek chia sẻ.
“Thay mặt BGK, đầu tiên, tôi rất vui mừng được đứng trên sân khấu tương tác với các bạn. Thứ hai, tôi hơi ‘ghen tị’ vì tôi nghĩ đây là một thời điểm rất thuận lợi cho các bạn CTO, có rất nhiều cơ hội cho các bạn trong tương lai, nhiều hơn khi tôi bắt đầu trong nghề này”, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ.
“Tôi muốn chia sẻ một chút về vai trò của CTO. Như anh Vũ đã nói, vai trò của CTO đã có sự thay đổi nhất định và sự thay đổi đó càng rõ ràng trong đại dịch Covid. Trước đây CTO phụ trách hệ thống, phần cứng phần mềm, có những ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng chưa rõ ràng đến ban điều hành. Nhưng sau Covid, mọi người đã thấy vai trò rõ ràng của một người CTO trong công ty, tổ chức. Người đó không chỉ quản lý phần cứng phần mềm, mà còn ảnh hưởng đến cách nhân viên làm việc, nhân viên tương tác với khách hàng, cách công ty có thể kinh doanh sản phẩm một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Do vậy, tôi rất đặt niềm tin vào các lãnh đạo công nghệ trong tương lai. Họ sẽ là thành phần không thể thiếu trong một công ty, tổ chức.
Theo tôi, có 3 kỹ năng quan trong cho 1 CTO thành công. Thứ nhất là tech, thứ hai là leadership, thứ ba là business. Các lãnh đạo công nghệ nên cân đối ba yếu tố đó. Nếu chỉ về tech, các CTO sẽ không tạo ra ảnh hưởng và dẫn được công ty đến tương lai. Nếu kết hợp được hiểu biết sâu về công nghệ, kết hợp hiểu biết sâu về kinh doanh, chuyển được sơ đồ trong tương lai, các bạn sẽ là CTO thành công, đóng góp không nhỏ cho công ty, tổ chức.
Năm nay là lần đầu tiên tôi được mời làm BGK. Tôi ngạc nhiên vì các bạn trẻ rất năng động, hiểu sâu về công nghệ, có một số dự án quy mô và các bạn rất nhiệt tình, hiểu vai trò của mình và có khát vọng đóng góp cho tương lai. Tôi thấy rất tự hào.
Nhưng nếu xét trên ba kỹ năng tôi nói ở trên, các lãnh đạo công nghệ trẻ ở VN giỏi về tech, nhưng vẫn đang thiếu về business và leadership. Hai mảng này cực kỳ quan trọng để các bạn có thể ảnh hưởng về chiến lược cho công ty và tổ chức. Tôi khuyến khích các bạn phát triển kỹ năng mềm về leadership, làm sao để truyền cảm hứng được, xây dựng được nhân viên cho tương lai, làm sao để dịch lại được từ ‘ngôn ngữ tech’ sang ‘ngôn ngữ kinh doanh’ và ngược lại. Đối với business thì các bạn là tech guy, còn đối với tech thì các bạn là business guy. Các bạn sẽ rất thành công.
Tôi thấy hơi chưa hài lòng, là dù tôi có trao đổi với nhiều nữ CTO, thì tôi thấy cuộc chơi năm nay rất ít nữ CTO. Tôi khuyến khích, động viên các bạn tham gia chương trình này. Đây là cơ hội tốt để mình tiếp xúc với các chuyên gia trong ngành, thử thách bản thân và phát triển. Mong rằng năm tới sẽ có nhiều bạn nữ tham gia hơn.
Cảm ơn BTC cho tôi cơ hội tương tác với các bạn trẻ. Tôi rất tự hào vì các bạn rất tích cực, có tinh thần đóng góp cho đất nước, góp phần đưa VN không chỉ nổi tiếng trong khu vực mà còn trên thế giới”.
Mở đầu sự kiện, ông Nguyễn Lộc Vũ, Giám đốc công nghệ của VnExpress chia sẻ cảm thấy may mắn khi tất cả có thể cùng ngồi với nhau, trực tiếp tại lễ trao giải Lãnh đạo công nghệ trẻ 2022 thay vì qua màn hình như năm 2021 do đại dịch.
“Lãnh đạo công nghệ luôn là vị trí chủ chốt trong công ty, đó là điều không thay đổi. Nhưng các thay đổi khác diễn ra liên tục như hành vi, thói quen của người dùng, sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ khiến lãnh đạo công nghệ buộc phải thay đổi.
Trước đây, họ phần lớn tập trung vào công việc chuyên môn như xây dựng vận hành hệ thống CNTT của tổ chức. Ngày nay, họ cần trang bị thêm những kiến thức về kinh doanh, về thị trường, khách hàng, sản phẩm, về phân tích dữ liệu để qua đó đưa ra những quyết định, giải pháp đúng đắn, giúp tổ chức thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ và xã hội.
Chúng tôi đánh giá rất cao các ứng viên tham gia, các bạn đều là cá nhân rất xuất sắc. Chúng tôi thấy rõ sự khát khao, cố gắng trong việc tạo ra dấu ấn riêng, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, cũng như nhạy bén khi nắm bắt các xu thế công nghệ như AI, Automation, Blockchain . Chúng tôi đã thấy các sản phẩm đạt doanh thu hàng trăm tỷ hay các sản phẩm dùng cho cả quốc tế. BTC mong muốn mọi người giữ được sức trẻ, giải pháp mới.
Đó là kết quả tuyệt vời chứng minh được nỗ lực của các bạn. Ban tổ chức mong muốn các bạn sẽ luôn tiếp tục giữ được sức trẻ, nhiệt huyết khát khao cống hiến để cho ra đời nhiều hơn nữa các sản phẩm, giải pháp mới, giúp tổ chức của mình đạt được nhiều thành công hơn, vươn xa hơn.
Các bạn là những nhân tố đã đang và sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng, cũng như khẳng định vị thế công nghệ của VN trên trường quốc tế.
Chương trình Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ 2022, do VnExpress tổ chức năm thứ hai, đã diễn ra từ ngày 1/4 đến ngày 31/5 với các giai đoạn: vòng Sơ loại, vòng Bình chọn (Top 30) và vòng Phỏng vấn (Top 20) để chọn ra Top 10. Chương trình dành cho những người đứng đầu về công nghệ trong tổ chức, doanh nghiệp, dưới 35 tuổi và có thành tích nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tìm ra bài toán tăng trưởng bằng công nghệ, mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo VnExpress
Nguồn: https://vnexpress.net/le-trao-giai-lanh-dao-cong-nghe-tre-2022-4477046.html