pano

Giang Thiên Phú – chàng giảng viên không tấm bằng Đại học

Hoàng Lan
Cập nhật lần cuối: 13/04/2014

TT – Giang Thiên Phú trở thành giám đốc công ty tin học năm 19 tuổi. Phú cũng là trường hợp hi hữu khi vượt qua nhiều vòng thi tuyển để trở thành giảng viên của Aprotrain Aptech. 25 tuổi, Phú vẫn chưa có trong tay tấm bằng đại học như mong đợi của cha mẹ.

gKGCWpPj.jpg

Giang Thiên Phú – Ảnh: Việt Dũng

Con đường học hành không bằng phẳng nhưng Giang Thiên Phú lại được biết đến khi có trong tay nhiều sản phẩm sáng chế được giải thưởng và hiện được đánh giá cao về năng lực làm việc. Giang Thiên Phú chọn cho mình lối đi riêng, ở đó có đam mê vẫy gọi…

“Mỗi người có một con đường, một lựa chọn, nhưng tôi nghĩ nếu các bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc sống nhưng chưa biết mình đam mê cái gì thì cứ cố gắng chọn một ngành vừa sức để học, đừng đuổi theo những điều mơ hồ, ảo tưởng. Vì đam mê thật sự không phải như vậy” – Giang Thiên Phú chia sẻ.

Những ngã rẽ

Hiện Giang Thiên Phú là phó giám đốc Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Hòa Bình, phụ trách vấn đề kỹ thuật. Trông vị phó giám đốc này trẻ hơn tuổi và trẻ hơn so với những gì anh đã làm được. Phú mời chúng tôi cà phê ngay trong tòa nhà nơi anh làm việc và câu chuyện của Phú bắt đầu bằng “sự kiện” trượt đại học.

Không giống như thông tin từng viết về Giang Thiên Phú khi anh được bầu là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc (năm 2008), rằng anh “bỏ học ĐH để làm giám đốc và là Bill Gates của VN”, Phú cho biết mình đã đăng ký dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngôi trường trong mơ của nhiều học sinh THPT và Phú đã trượt nguyện vọng 1. Điểm thi của Phú chỉ đủ để anh trúng tuyển vào một trường khác có điểm chuẩn thấp hơn và Phú cũng đã phân vân định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhưng lại dừng. “Tôi cũng từng nghĩ nếu đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có lẽ tôi sẽ học và tốt nghiệp. Nhưng tôi không đỗ và tôi không nhất thiết phải cố gắng để có một tấm bằng ĐH ở nơi khác khi mình không thấy thích, chưa muốn học”.

Trong lúc nhiều thí sinh lo tìm một nơi đủ điều kiện để xét tuyển ĐH và nhất định phải là ĐH thì Phú dành thời gian để nghĩ về “nghề nào mình nên làm cho đáng”. Phú kể lại: “Ban đầu tôi thích học chế tạo máy hay điện tử. Nhưng trong suy nghĩ non nớt của tôi khi đó thì tôi nên chọn công nghệ thông tin. Đơn giản vì khi thiết kế một sản phẩm phần mềm nếu không thành công thì có thể bỏ đi làm lại, không tốn kém về vật chất. Sau này tôi mới hiểu vật chất còn là thời gian, là công sức bỏ ra nữa. Và lĩnh vực tôi theo đuổi, những cái làm không thành công còn lãng phí hơn nhiều những gì tôi nghĩ trước đây. Tuy nhiên nhờ suy nghĩ thời đó, tôi đã chọn thiết kế phần mềm, công việc mà tới giờ tôi vẫn gắn bó”.

Giang Thiên Phú được học bổng của Trung tâm Aprotrain Aptech ngành thiết kế phần mềm. Với kết quả học tập tốt ở đây, Phú được chuyển tiếp học ĐH Greenwich vào năm 2010. Trong suốt thời gian học ở Aptech rồi ĐH Greenwich, Giang Thiên Phú vẫn không ngừng đeo đuổi những công việc bên ngoài. Môi trường thực hành, tự học, tự mày mò, trải nghiệm qua những công việc khác nhau hấp dẫn Phú hơn việc ngồi học trên giảng đường. Tới một lúc, anh buộc phải chọn một ngã rẽ khác. Một lần nữa Phú “lỗi hẹn” với tấm bằng ĐH, anh bảo lưu điểm để đi làm.

Giám đốc 19 tuổi

19 tuổi, Phú trở thành giám đốc một công ty do anh lập nên, Công ty TNHH công nghệ & dịch vụ Thiên Phú. Công ty này chủ yếu bán máy tính, thiết kế hệ thống mạng và chỉ tồn tại đúng một năm thì giải thể. “Chuyện lập và giải thể công ty hồi đó của tôi là quyết định của một người chưa biết phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, với những người mình cùng làm việc, chỉ là thích thế nào thì làm thế đó. Nhưng dù sao sự trải nghiệm đó cũng là một bài học cho tôi, điều trong nhà trường tôi không được học, ở khía cạnh nào đó, những trải nghiệm, thất bại, sai lầm đều có ý nghĩa và đóng góp vào lựa chọn tiếp theo của tôi” – Phú chia sẻ.

Trong thời gian này, Giang Thiên Phú chợt có ý định trở lại Aptech để thử sức trong việc giảng dạy. Phú tham dự các vòng thi tuyển giảng viên của trường.

Giang Thiên Phú trở thành giảng viên của Aptech có lẽ là do kiến thức thực tế và khả năng giúp người khác hiểu được điều mình muốn truyền đạt. Thầy Trần Khánh, người từng dạy Phú trong thời gian học ở Aptech, cũng là người đã mời Phú tham gia kỳ thi tuyển giảng viên vào Aptech. Giải thích cho chúng tôi về trường hợp Phú, thầy Khánh cho biết: ở Aptech không đòi hỏi bằng cấp cao mà cần có những chứng chỉ theo quy định, và người nào dạy môn gì thì phải trải qua thi tuyển môn đó với điểm tối thiểu đạt 80%, phải có hai buổi giảng thử kỹ năng sư phạm, gồm kỹ năng thứ nhất là nói cho học trò hiểu vấn đề mình đang nói và thứ hai là giảng thực hành, giúp học trò thực hành. Nhưng Phú thi lần đầu không đạt vì còn vấp một số lỗi. Sau một thời gian, thầy Khánh lại mời Phú thi lần hai. Lần này Phú đạt chuẩn giảng viên của Aptech và dạy chuyên ngành Java tại đây hơn một năm.

Theo đuổi đam mê

Anh kể: “Nhiều người nghĩ tôi có nhiều giải thưởng sáng tạo thì chắc giỏi và chỉ thích các môn tự nhiên thôi nhưng không phải thế, tôi cũng thích lịch sử, triết học. Không thấy hấp dẫn trên lớp thì tôi mua sách tự đọc. Triết học với tôi là môn thú vị, tôi đã đọc hết sách bố tôi có và tìm mua thêm để đọc. Khi xem một bộ phim lịch sử mà tôi thấy hấp dẫn, tôi cũng đi lùng kiếm sách viết về lịch sử được đề cập trong phim. Bài toán tôi thích thì tôi phải đi tìm xem có cách giải nào hay hơn thế… Trong lúc bạn bè tôi lao vào học với mục đích thi đỗ ĐH thì tôi đã dùng thời gian vào những việc mà theo suy nghĩ thông thường là “vô bổ”.

Tên Giang Thiên Phú được biết đến nhiều bắt đầu từ công trình “máy vệ sinh chuồng gà” với giải thưởng sáng tạo dành cho học sinh phổ thông, rồi một loạt sản phẩm khác: robot xây thành Cổ Loa, máy bay điều khiển từ xa. Đặc biệt là sản phẩm kính hiển vi làm từ webcam. Với suy nghĩ kính hiển vi mỗi trường phổ thông chỉ có 1-2 cái, không phải tất cả học sinh đều được sử dụng nên cần nghĩ cách để nhiều người được sử dụng. Phú vẽ, chạy thử nghiệm chiếc kính hiển vi của mình trên máy tính rồi đi mua vật liệu. Đặc điểm cơ bản của thiết bị là đặt vật cần quan sát ở gần tiêu điểm thấu kính hội tụ (sử dụng loại kính có tiêu cự cực ngắn) sẽ có hình ảnh rất lớn trên màn ảnh của webcam, từ đó sẽ chuyển hình ảnh thành tín hiệu để truyền về máy tính, tiếp tục sử dụng máy chiếu lên màn hình rộng, để hàng trăm người cùng được xem. Phú đoạt được nhiều giải thưởng sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên từ các sản phẩm sáng tạo của mình. Trong đó đáng kể là các giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật VN VIFOTEC, giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc và giải thưởng Mãi mãi tuổi 20…

Giang Thiên Phú cho biết thành công mới đem lại cho anh niềm vui ở vị trí công việc hiện tại là việc nâng cấp trang eBay.vn, một trang bán hàng qua mạng đã được cấu trúc lại dữ liệu, khiến nó chạy nhanh hơn, thân thiện, dễ sử dụng hơn. Một sản phẩm khác là chodientu.vn, cũng là một trang mua sắm khác đang thu hút lượng truy cập lớn. Trước đó, Giang Thiên Phú là thành viên chủ chốt của nhóm sáng lập nên mạng xã hội tích hợp công nghệ định vị toàn cầu GPS đầu tiên trên thế giới mang tên Yoo.vn. Phú nói: “Giờ đây niềm vui của tôi không chỉ là tôi làm nên được cái gì mà là các bạn trẻ, những người tôi đang giúp đỡ, chỉ dẫn sẽ làm được những gì”. Phương châm “tìm cộng sự” của Phú là “trình độ có thể chưa tốt, nhưng có đam mê và dám theo đuổi đam mê”. Phú giải thích với chúng tôi: “Trình độ có thể chăm chỉ học sẽ có, nhưng đam mê và dám theo đuổi đam mê không phải ai cũng có. Nên người có đam mê sẽ gắn bó với công việc”.

Theo: Tuổi trẻ Online

Bài viết gốc: https://tuoitre.vn/giang-vien-khong-bang-cap-602537.htm

Chia sẻ bài viết
Đăng ký để nhận bài viết mới
Làm chủ công nghệ, luôn lắng nghe và tối ưu