Buổi học diễn ra vào ngày 2/12 với chủ đề “Gọi vốn tại Việt Nam – Câu chuyện từ Founder một startup triệu đô”. Co-Founder kiêm Giám đốc tăng trưởng Phần mềm tổng đài thông minh tích hợp CRM Callio định nghĩa gọi vốn là quá trình người làm startup bán công sức và giấc mơ của mình. Trong khi đó, nhà đầu tư đóng vai trò mua cơ hội và chấp nhận đối mặt với các rủi ro có thể xảy ra.
“Quyết định đầu tư đồng nghĩa với nhà đầu tư đặt niềm tin vào startup, các nhà khởi nghiệp cần cố gắng đừng đánh mất niềm tin đó”, anh nói thêm.
Ngược lại, việc lựa chọn đúng đối tác đầu tư rất quan trọng. Theo anh Hân, một nhà đầu tư phù hợp phải là một đối tác có chung tầm nhìn, có kiến thức, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ và những giá trị khác có thể hỗ trợ startup tăng trưởng, đồng thời, chia sẻ mức cổ phần hợp lý.
Là một thành viên quỹ đầu tư VIC Partners, anh Võ Ngọc Hân cho biết, trong giai đoạn đầu của một startup, quyết định đầu tư chủ yếu được đưa ra dựa trên phẩm chất và năng lực của đội ngũ sáng lập (founders), tiềm năng của sản phẩm và thị trường, cùng sự phù hợp với danh mục, ngân sách đầu tư.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm cố vấn chuyên môn (mentor) cho Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) và các startup nổi tiếng như TopCV, Boxme…, nam diễn giả cảnh báo về lý do thường khiến đề nghị gọi vốn bị từ chối. Trong đó có dự án không tiềm năng, hồ sơ gọi vốn và bài pitching gọi vốn kém hấp dẫn; đội ngũ sáng lập yếu hoặc thiếu cam kết; startup định giá quá cao hoặc đôi bên không đạt được đồng thuận về các điều khoản.
Ví dụ từ thực tiễn, khi tham gia Shark Tank mùa 5, Callio nhận được lời đề nghị đầu tư 600.000 USD. Tuy nhiên, đội ngũ sáng lập đã quyết định từ chối do không chung tầm nhìn và không thống nhất được về tỷ lệ sở hữu.
Anh Hân giải thích, mức định giá của Callio được đưa ra dựa trên dự báo tài chính vững chắc đến từ doanh thu và lợi nhuận thực tế của công ty. Anh tự tin sự tăng trưởng của công ty trong tương lai có thể mang đến một cơ hội đầu tư tiềm năng cho các shark. Vì vậy, Callio chỉ hợp tác với nhà đầu tư thực sự phù hợp.
Bài học thực tế của diễn giả trong Live Case Study đã thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên. Hơn 100 câu hỏi được đặt ra trong chương trình. Qua đây, các bạn hiểu sâu rộng hơn về gọi vốn và được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ câu chuyện của Callio.
Vũ Hoài Thương – sinh viên khóa Khởi Nghiệp FUNiX chia sẻ, từ những bài học và kinh nghiệm thực tế nhận được từ buổi học, nhóm của cô có thể xây dựng kế hoạch gọi vốn cho dự án khởi nghiệp riêng.
Sinh viên Hoàng Tuấn Hiệp cũng cho biết bản thân được truyền cảm hứng khi nghe lời cam kết của anh Hân với hội đồng quản trị về lợi nhuận tương lai của Callio, vị thế của Callio khi đi gọi vốn cũng như cách các nhà sáng lập thực sự hiểu giá trị của startup của mình.
Theo bà Mai Mai – Giám đốc Chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên theo FUNiX way, hoạt động này là cơ hội cho sinh viên liên hệ kiến thức với thực tế khởi nghiệp thông qua việc lắng nghe, trao đổi cùng lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trước đó, sinh viên đã được tham dự các buổi thảo luận trực tiếp với founder, CEO và chuyên gia của Tiki, TopCV, Accesstrade, quỹ đầu tư VIISA,…
“Chúng tôi kỳ vọng chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên theo FUNiX way sẽ là mô hình tiêu biểu và có thể mở rộng tới các trường đại học khác, từ đó, trang bị kiến thức thực tế về khởi nghiệp cho sinh viên cả nước”, bà nói thêm.
Khóa học Khởi Nghiệp của FUNiX dành cho sinh viên Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thu hút hàng trăm sinh viên tham gia mỗi năm. Đây là năm thứ ba, hai đơn vị tổ chức khóa học chuyển đổi tín chỉ môn Khởi Nghiệp theo hình thức trực tuyến.
Khóa học trang bị kiến thức khởi nghiệp theo giáo trình của Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Song song học lý thuyết, sinh viên thực hành xây dựng các ý tưởng startup thực tế theo nhóm với sự hướng dẫn và phản biện từ đội ngũ mentor là CEO, founder, chuyên gia của hơn 40 doanh nghiệp.